Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới toàn bộ các doanh nghiệp trong mọi ngành tại Việt Nam, rất nhiều người lao động đã chịu cảnh thất nghiệp khi các nhà máy thiếu nguồn cung, khách hàng cắt hợp đồng, …
Theo quy định của Luật Việc làm có hiệu lực từ năm 2015 và Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định hồ sơ hưởng BHTN, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hưởng trợ cấp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc (có khống chế mức hưởng tối đa), thời gian hưởng phụ thuộc vào thời gian tham gia BHTN, nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Để tạo điều kiện cho người lao động có thể nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp, Russell Bedford KTC – công ty kế toán, kiểm toán và tư vấn doanh nghiệp – liệt kê các quy trình thực hành sau đây để các doanh nghiệp có thể hỗ trợ người lao động thực hiện các bước một cách nhanh chóng. Quý khách hàng lưu ý, quy trình này được thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh, tại các thành phố/ tỉnh khác có thể có hướng dẫn khác của cơ quan bảo hiểm xã hội:
Bước 1: Thủ tục giảm bảo hiểm xã hội (DN cần thực hiện)
Doanh nghiệp thực hiện bước này trên phần mềm của bảo hiêm xã hội cho những người lao động nghỉ việc.
Bước 2: Chốt sổ bảo hiểm xã hội (DN cần thực hiện)
- Doanh nghiệp chuẩn bị mẫu biểu số 620.
- Doanh nghiệp gửi mẫu biểu số 620 kèm theo sổ bảo hiểm gốc của người lao động lên BHXH phụ trách
- Cơ quan bảo hiểm sẽ trả lời sau 7-10 ngày làm việc và gửi sổ đã chốt bằng bưu điện về địa chỉ DN.
- Doanh nghiệp cần chuyển giao cho người lao động nghỉ việc: quyết định thôi việc và sổ BHXH bản chính + tờ rời (nếu có) sau khi chốt sổ.
Doanh nghiệp cần lưu ý theo sát quá trình làm việc của cơ quan BHXH do thời điểm dịch bệnh nhân viên BHXH có thể làm việc từ nhà và quy trình này có thể bị chậm trễ. Thời gian chuyển phát nhanh từ bưu điện về địa chỉ đăng ký của Doanh nghiệp cũng có thể mất thêm thời gian nếu cơ quan bưu điện tới địa chỉ Doanh nghiệp mà không có người nhận thì toàn bộ hồ sơ sẽ được mang về bưu điện lưu.
Mẫu PGNHS 620: Xác nhận quá trình đóng BHXH, BHTN (xác nhận cho người tham gia dừng đóng BHXH, BHTN tại một đơn vị; đơn vị chuyển sang tỉnh/TP khác; NLĐ đi làm theo HĐ có thời hạn ở nước ngoài tự đăng ký đóng BHXH bắt buộc), xác nhận quá trình đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện
Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ trợ cấp thất nghiệp (người lao động cần thực hiện)
Theo luật Việc làm và Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định hồ sơ hưởng BHTN, trong thời hạn 3 tháng kể từ khi nghỉ việc người lao động phải nộp hồ sơ cho Trung tâm Giới thiệu việc làm (TTGTVL) tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hồ sơ được nộp cho Trung tâm dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh – thủ tục hướng dẫn trên trang web:
http://www.vieclamhcm.net/tintuc/tinchitiet/tabid/111/Id/644/HUONG-DAN-NGUOI-LAO-DONG.aspx
Các bước cần làm như sau:
- Người lao động cần mở tài khoản ngân hàng Đông Á để nhận trợ cấp thất nghiệp vào tài khoản này.
- Điền 01 form đơn xin trợ cấp thất nghiệp số 03 mẫu mới nhất – điền đầy đủ thông tin. Lưu ý điền số điện thoại liên lạc của chính mình để cơ quan bảo hiểm có thể liên hệ tới người lao động.
- Gửi kèm 01 bản quyết định thôi việc bản chính hoặc bản sao công chứng
- Gửi kèm 01 bản photo chứng minh thư hoặc căn cước công dân
- Gửi kèm 01 bản photo sổ bảo hiểm xã hội và tờ rời và sổ bhxh và tờ rời bản chính để đối chiếu.
Bước 4: Nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp (người lao động cần thực hiện)
Tất cả hồ sơ nêu trên DN có thể hướng dẫn người lao động gửi qua đường bưu điện bằng thư bảo đảm đến một trong những địa điểm sau:
- Trung tâm Dịch vụ việc làm (“TTDVVL”) Thành phố Hồ Chí Minh; địa chỉ: 106/14D Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh.
- Chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp quận 4; địa chỉ: 249 Tôn Đản, phường 15, quận 4.
- Chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp quận 6; địa chỉ: 743/34 Hồng Bàng, phường 6, quận 6.
- Chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp quận 9; địa chỉ: Số 1 đường số 9, phường Phước Bình, quận 9.
- Chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp quận 12; địa chỉ: 802 Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12.
- Chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp quận Tân Bình; địa chỉ: 456 Trường chinh, phường 13, quận Tân Bình.
- Cơ sở 2-Củ Chi; địa chỉ: 108 đường 458, ấp Thạnh An, xã Trung An, huyện Củ Chi.
Sau khi nộp hồ sơ trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, người lao động chưa tìm được việc làm thì TTDVVL thực hiện xác nhận giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, TTDVVL ra quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp kèm theo sổ BHXH có xác nhận trả cho người lao động.
Trường hợp hồ sơ thiếu hoặc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì TTDVVL sẽ thông báo cho người lao động được biết bằng văn bản nêu rõ lý do.
Thời điểm tính hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày thứ 16 tính từ ngày nộp hồ sơ. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ thời điểm có quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp, cơ quan BHXH tại địa phương thực hiện chi trả tiền trợ cấp tháng đầu cho người lao động kèm theo thẻ Bảo hiểm y tế.
Hàng tháng, cơ quan BHXH thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp trong vòng 12 ngày tính từ ngày hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Trong quá trình hưởng bảo hiểm thất nghiệp, hàng tháng người lao động phải đến TTDVVL thông báo về việc tìm việc làm trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo đúng lịch hẹn kèm theo Quyết định trợ cấp thất nghiệp).