Bộ Công an hiện đang khẩn trương triển khai đợt cao điểm 50 ngày đêm cấp định danh điện tử cho người nước ngoài “NNN” theo kế hoạch số 370/KH-BCA-V01. Thời gian thực hiện từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 19/8/2025.
Việc cấp tài khoản định danh điện tử nhằm giúp người nước ngoài thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến, xác thực thông tin trong giao dịch ngân hàng, sử dụng dịch vụ công cộng, lưu trữ thẻ cư trú điện tử và các loại giấy tờ hợp pháp trên ứng dụng VNeID, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người nước ngoài trong quá trình sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Quan trọng hơn, đây là một bước bắt buộc cho quy trình xác thực định danh Doanh nghiệp (đối với các doanh nghiệp có chủ sở hữu, người đại diện pháp luật là người nước ngoài). Doanh nghiệp có thể gặp khó khăn hoặc không thực hiện được một số thủ tục định kỳ bắt buộc như kê khai thuế, chuyển khoản ngân hàng, nộp hồ sơ BHXH… khi chưa hoàn tất việc định danh doanh nghiệp.
Dưới đây là tóm tắt quy trình cấp định danh điện tử cho người nước ngoài cư trú tại Việt Nam:
1. Hồ sơ cần chuẩn bị:
- Thẻ tạm trú: còn hạn từ 6 tháng trở lên (khuyến nghị);
- Hộ chiếu (hoặc giấy tờ đi lại quốc tế): còn hạn tối thiểu 6 tháng;
- Số điện thoại chính chủ: cần trùng khớp với thông tin đăng ký hộ chiếu, thẻ tạm trú…
- Portrait pictures: passport size (hard copies and soft file ready to supplement when needed);
- Email cá nhân: dùng để nhận thông báo kết quả và thông tin tài khoản VNeID.
- Thông tin địa chỉ cư trú: cập nhật theo địa giới hành chính mới.
2. Quy trình định danh điện tử:
- Làm việc trực tiếp tại Cơ quan xuất nhập cảnh “XNC”;
- Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh: Tiếp nhận thông tin và thu thập khuôn mặt, dấu vân tay của người nước ngoài để gửi lên Cục Định danh & Xác thực điện tử – Bộ Công an (C06);
- Cục Định danh & Xác thực điện tử: Xác nhận thông tin và thông báo kết đăng ký qua email, số điện thoại của người nước ngoài;
- Người nước ngoài: Đăng nhập vào VNeID theo thông tin C06 gửi.
3. Các bước thực hiện:
- Lấy số thứ tự và chờ tới lượt làm thủ tục (phát số thứ tự 2 lần một ngày vào đầu giờ sáng và chiều);
- Chụp ảnh chân dung;
- Lấy dấu vân tay;
- Kiểm tra & ký Phiếu – TK 01 chứa toàn bộ thông tin đã khai và thu thập. (Tờ khai 01 sẽ được Phòng XNC in ra sau khi thu thập thông tin, hình ảnh và vân tay);
- Cán bộ Phòng XNC: nhập dữ liệu vào hệ thống và gửi lên C06.
- Nhận kết quả: Thời gian xử lý: 05 – 07 ngày. Sau khi C06 xét duyệt, NNN sẽ nhận mã định danh (Mức 2), mật khẩu, OTP (nếu có) qua SMS hoặc email để đăng nhập VNeID.
Hiện nay, do số lượng người nước ngoài đăng ký định danh điện tử khá đông, để tránh tình trạng quá tải và chậm trễ, người nước ngoài nên chủ động thực hiện thủ tục sớm.
Lưu ý: Trên đây là quy trình dành cho người nước ngoài cư trú. Người nước ngoài không cư trú có thể gặp khó khăn hoặc chậm trễ khi làm định danh chủ yếu do chưa đáp ứng được đầy đủ hồ sơ cần thiết theo quy định. Quy trình xử lý đối với người nước ngoài không cư trú (chưa có Thẻ tạm trú) sẽ tiếp tục được cập nhật trong khoảng 2 tuần tới.
Cập nhật mới liên quan đến Luật BHXH số 41/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 có hiệu lực từ 1 tháng 7 năm 2025
Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 “Luật BHXH 2024” sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, thay thế cho Luật số 58/2014/QH13 “Luật BHXH 2014”. Doanh nghiệp và người lao động cần đặc biệt lưu ý những điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng sau đây:
1. Đối tượng đóng Bảo hiểm xã hội “BHXH” bắt buộc
Luật BHXH năm 2024 đã sửa đổi và bổ sung thêm các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc căn cứ theo Điều 2, luật BHXH 2024 bao gồm:
- Theo tiết a, tiết l, điểm 1, những người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên bao gồm cả trường hợp hợp đồng thỏa thuận dưới tên gọi khác nhưng có nội dung về việc làm, trả công, chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động đều thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Kể cả trường hợp người lao động làm việc không trọn thời gian (bán thời gian, theo ca, theo giờ…) nhưng nếu mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn mức lương làm căn cứ đóng BHXH tối thiểu, thì vẫn thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc;
Ảnh hưởng: Nếu Doanh nghiệp có nhân viên làm việc bán thời gian mà tiền lương trả cho nhân viên cao hơn mức lương tối thiểu vùng thì Doanh nghiệp cần lưu ý rà soát để đảm bảo đối tượng đóng BHXH bắt buộc đúng theo quy đinh.
- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên… có hưởng tiền lương hoặc không hưởng tiền lương; Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ (tiết i, tiết n,tiết m, điểm 1)
Ảnh hưởng: Người quản lý doanh nghiệp, Tổng giám đốc, Chủ hộ kinh doanh… dù không hưởng tiền lương vẫn phải đóng BHXH bắt buộc. Doanh nghiệp cần lưu ý để đóng BHXH đúng theo quy định.
- Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác (tiết g, điểm 1);
Ảnh hưởng:
- Nếu không có điều ước quốc tế thì người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải tham gia BHXH bắt buộc tại Việt Nam.
- Nếu có điều ước quốc tế và điều ước này quy định khác thì thực hiện theo điều ước đó.
2. Căn cứ tính đóng BHXH bắt buộc cho người lao động
Căn cứ đóng BHXH bắt buộc cho người lao động không thay đổi nhiều so với trước đây:
Theo tiết b, điểm 1, điều 31, Luật 41/2024/QH15 “Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương”
Doanh nghiệp cần lưu ý: Trường hợp người lao động ngừng việc vẫn hưởng tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất thì đóng theo tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc.
3. Đủ điều kiện hưởng lương hưu khi có tối thiểu 15 năm đóng Bảo hiểm xã hội
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu của người tham gia BHXH thông qua việc giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Ảnh hưởng: Tạo điều kiện cho người lao động trong doanh nghiệp có cơ hội hưởng lương hưu với số năm tối thiểu ít hơn trước đây. Đây là cải cách quan trọng nhất về BHXH mở ra cơ hội tiếp cận lương hưu cho hàng triệu người lao động.
4. Khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 bổ sung quy định nhằm gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.
Ảnh hưởng: Người lao động không hưởng BHXH một lần mà bảo lưu thời gian đóng để tiếp tục tham gia thì có cơ hội được thụ hưởng các quyền lợi cao hơn như: (i) Khi tiếp tục tham gia được hưởng các chế độ với mức hưởng cao hơn; (ii) Được hưởng lương hưu với điều kiện dễ dàng hơn; (iii) Trong thời gian hưởng lương hưu được Quỹ BHXH đóng BHYT; (iv) Được hưởng trợ cấp hằng tháng khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; (v) Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được ngân sách Nhà nước đóng BHYT.
5. Bổ sung quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 bổ sung một chương quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung, trong đó quy định về đối tượng, nguyên tắc, Quỹ Bảo hiểm hưu trí bổ sung và chính sách của nhà nước đối với bảo hiểm hưu trí bổ sung, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Ảnh hưởng: Người lao động và người sử dụng lao động có thêm lựa chọn bảo hiểm hưu trí bổ sung để được hưởng mức lương hưu cao hơn. Đây là điểm mới bổ sung đối với BHXH 2024 so với trước đây.
6. Quy định cụ thể về “mức tham chiếu” thay cho “mức lương cơ sở”
Luật quy định “mức tham chiếu” dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH; khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu bằng mức lương cơ sở. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và Quỹ BHXH.
Ảnh hưởng: Việc quy định sử dụng mức tham chiếu dùng để xem xét chế độ BHXH khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu bằng mức lương cơ sở là 2.340.000đ. Thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn 2.340.000đ. Cách tính theo mức tham chiếu phù hợp với khả năng NSNN và Quỹ BHXH.
Trên đây là những thông tin cập nhật tóm tắt về Luật BHXH số 41/2024/QH15.
Nếu bạn cần thêm thông tin chi tiết hoặc có vấn đề cần tư vấn, vui lòng gửi câu hỏi qua đường link dưới đây. Chúng tôi sẽ liên hệ và hỗ trợ bạn trong thời gian sớm nhất.